top of page
Tìm kiếm

Mang Thai Tháng Thứ 7 Nên Ăn Gì Đủ Chất Cho Con?

Ảnh của tác giả: Phòng Mạch 24hPhòng Mạch 24h

Trong ba tháng cuối của thai kỳ, cơ thể mẹ và thai nhi sẽ trải qua những thay đổi lớn để chuẩn bị cho quá trình sinh nở – chào đời. Do đó, trong thời gian này bạn cần một chế độ ăn uống đầy đủ dưỡng chất để đảm bảo sức khỏe và tránh các rủi ro liên quan trong việc sinh con. Vậy mang thai tháng thứ 7 nên ăn gì và cần tránh gì? Thai phụ và người chăm sóc có thể tìm hiểu các chất dinh dưỡng và món ăn phù hợp theo gợi ý bên dưới để có kế hoạch dinh dưỡng phù hợp.



Mang thai tháng thứ 7 nên ăn gì đủ chất cho con?

Mang thai tháng thứ 7 là giai đoạn thiên về sự phát triển toàn diện của em bé và đảm bảo dinh dưỡng của mẹ. Các chuyên gia y tế cho rằng cần bổ sung khoảng 460 calo mỗi ngày để em bé sinh ra khỏe mạnh. Do đó, chế độ ăn uống khi mang thai tháng thứ 7 luôn được thiết kế phù hợp để đảm bảo sức khỏe của mẹ và bé.

Dưới đây là một số gợi ý nếu bạn đang thắc mắc mang thai tháng thứ 7 nên ăn gì.

1. Thực phẩm giàu sắt và protein

Trong ba tháng cuối của thai kỳ cơ thể cần bổ sung một lượng sắt phù hợp để ngăn ngừa tình trạng thiếu máu hoặc xuất huyết trong khi sinh con, hoặc thậm chí là phòng ngừa nguy cơ sinh non. Thai phụ cần khoảng 27 mg sắt mỗi ngày để đảm bảo sức khỏe của mẹ và bé.



Các loại thực phẩm giàu protein và chất sắt rất cần thiết khi mang thai tháng thứ 7 để đảm bảo trẻ sinh ra khỏe mạnh

Sắt thường có nhiều trong các loại rau có màu xanh đậm, chẳng hạn như rau bina, các loại rau họ cải, trái cây sấy khô như nho khô, mơ khô, hạt vừng, óc chó, đậu nành, cũng như hạt bí ngô. Ngoài ra, các loại thịt đỏ và thịt gia cầm đều là những thực phẩm giàu chất sắt và phù hợp trong chế độ ăn uống của thai phụ ở tháng thứ 7.

Ngoài sắt, protein cũng rất quan trọng cho sự phát triển khỏe mạnh của em bé. Các axit amin có trong thực phẩm giàu protein như trứng, thịt nạc, các loại đậu và các sản phẩm từ sữa sẽ cung cấp khoảng 75 – 100 gram protein mỗi ngày cho thai phụ.

2. Thực phẩm giàu canxi

Việc hấp thụ canxi đầy đủ trong ba tháng cuối của thai kỳ được xem là rất quan trọng để đảm bảo sự phát triển khỏe mạnh của em bé. Cơ thể cần canxi để phát triển hệ xương và cấu trúc xương chắc khỏe.

Theo khuyến cáo, phụ nữ mang thai tháng thứ 7 cần bổ sung 1.000 gram canxi mỗi ngày thông qua chế độ ăn uống. Canxi thường có trong một số loại thực phẩm như sữa, phô mai và sữa chua. Ngoài ra, cá hồi, yến mạch và các loại hạt khác cũng rất giàu canxi, phù hợp sử dụng trong thai kỳ.

3. Thực phẩm giàu magiê

Tương tự như canxi, cơ thể cần được bổ sung một lượng magiê tương đương để đồng hóa canxi. Magiê cũng giúp giảm bớt tình trạng chuột rút ở chân, giúp thư giãn các cơ bắp và ngăn ngừa các dấu hiệu sinh non.



Bầu 7 tháng nên bổ sung thực phẩm giàu magiê để giúp cơ thể hấp thụ lượng canxi cần thiết

Theo khuyến cáo, phụ nữ mang thai tháng thứ 7 cần bổ sung 350 mg magiê mỗi ngày để đảm bảo sức khỏe của mẹ và bé. Magiê thường có nhiều trong đậu đen, cám yến mạch, lúa mạch, atiso, hạnh nhân và hạt bí ngô.

4. Thực phẩm giàu axit folic

Axit folic có thể làm giảm nguy cơ mắc các khuyết tật ống thần kinh, hỗ trợ sự phát triển của hệ thống thần kinh khỏe mạnh.

Theo khuyến cáo, thai phụ cần nhận ít nhất 400 mg axit folic hàng ngày thông qua chế độ ăn uống hàng ngày. Các loại rau xanh có lá màu xanh sẫm, bột yến mạch, bánh mì nguyên hạt và ngũ cốc tăng cường có thể bổ sung axit folic cần thiết trong thai kỳ.

5. Thực phẩm giàu DHA

DHA là một loại axit béo cần thiết để phát triển trí não và giúp trẻ thông minh, lanh lợi hơn.

Thai phụ được khuyến nghị bổ sung 200 mg DHA mỗi ngày để giúp phát triển trí não của em bé. DHA thường có nhiều trong dầu cá, cá loại cá béo như cà ngừ, cá thu, cá hồi, các loại hạt như hạt lạnh và quả óc chó. Ngoài ra, thai phụ cũng có thể trao đổi với bác sĩ về các sản phẩm bổ sung cần thiết trong thời kỳ mang thai.

6. Thực phẩm giàu chất xơ

Thực hiện chế độ ăn uống giàu chất xơ có thể làm sạch mật và ngăn ngừa táo bón trong thai kỳ. Tuy nhiên, chất xơ sẽ hấp thụ lượng nước trong đường tiêu hóa, do đó hãy đảm bảo thai phụ uống đủ lượng nước cần thiết mỗi ngày.



Chất xơ cần thiết để hỗ trợ quá trình tiêu hóa và ngăn ngừa táo bón

Các loại thực phẩm giàu chất xơ bao gồm trái cây tươi và rau quả. Các loại đậu và ngũ cốc nguyên hạt cũng chứa nhiều chất xơ và có tác dụng phòng ngừa táo bón.

7. Thực phẩm giàu vitamin

Khi mang thai tháng thứ 7, cơ thể cần nhận được một lượng vitamin C cần thiết để đảm bảo quá trình hấp thụ chất sắt diễn ra bình thường. Theo khuyến cáo, thai phụ nên tiêu thụ khoảng 80 mg vitamin C mỗi ngày. Các loại thực phẩm giàu vitamin C bao gồm cam, chanh, ớt chuông, các loại dưa hoặc bông cải xanh.

Ngoài ra, cơ thể cũng cần nhận được một lượng vitamin B6 phù hợp để tăng cường quá trình trao đổi chất và thúc đẩy sự phát triển của hệ thần kinh cũng như não bộ của trẻ. Các nguồn vitamin B6 phổ biến bao gồm chuối, thịt gà, khoai tây và các loại đậu.

Phụ nữ mang thai tháng thứ 7 cần có một chế độ ăn uống hợp lý, đầy đủ các chất dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất cần thiết. Nếu thắc mắc mang thai tháng thứ 7 nên ăn gì, thai phụ có thể trao đổi với bác sĩ chuyên môn để được hướng dẫn cụ thể.

Thực phẩm nên tránh khi mang thai tháng thứ 7

Ngay sau khi tìm hiểu mang thai tháng thứ 7 nên ăn gì, thai phụ cũng nên tìm hiểu các loại thực phẩm không nên ăn để tránh các rủi ro có thể xảy ra. Trong tháng cuối của thai kỳ, phụ nữ mang thai có thể dễ bị ợ chua, sưng ở bàn chân và bàn tay, mệt mỏi và táo bón. Có một số loại thực phẩm có thể làm nghiêm trọng thêm tình trạng này, do đó tốt nhất thai phụ nên có chế độ ăn uống phù hợp để cải thiện các triệu chứng.

Mẹ bầu tháng thứ 7 nên tránh các loại thực phẩm cay, béo, cà phê và đồ uống có cồn để đảm bảo sức khỏe của em bé

Các loại thực phẩm cần tránh khi mang thai tháng thứ 7 bao gồm:

  • Thực phẩm cay và béo: Các loại thực phẩm giàu chất béo, cay và nhiều gia vị, đặc biệt là đồ ăn chiên rán, sẽ làm tăng cảm giác khó chịu của chứng ợ chua. Khó chịu, ợ chua có thể gây ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ của thai phụ. Tránh sử dụng thực phẩm chiên, nhiều dầu mỡ, đặc biệt là vào ban đêm để tăng cường chất lượng giấc ngủ.

  • Thực phẩm giàu natri: Ăn nhiều natri có thể dẫn đến sưng và đầy hơi, do đó thai phụ nên tránh. Các loại khoai tây chiên giòn, dưa chưa, nước sốt đóng gói, đồ hộp, tương cà và tương ớt đóng chai thường chứa nhiều natri. Ngoài ra, thai phụ ở tháng thứ 7 được khuyến cáo uống nhiều nước và chất lỏng lành mạnh khác để điều chỉnh lượng natri trong cơ thể.

  • Caffeine và đồ uống có cồn: Nên tránh hoàn toàn Caffeine và đồ uống có cồn trong giai đoạn mang thai. Nếu muốn sử dụng các loại đồ uống này, hãy hạn chế ở một cốc mỗi ngày. Sử dụng quá nhiều đồ uống này có thể dẫn táo bón và nhiều nguy cơ khác. Ngoài ra, các loại đồ uống chứa nhiều đường và chất làm ngọt nhân tạo hoàn toàn không cung cấp chất dinh dưỡng, do đó cần tránh sử dụng.

  • Rượu: Rượu không được khuyến khích trong tất cả các giai đoạn của thai kỳ. Tuy nhiên khi mang thai tháng thứ 7, việc tiêu thụ rượu có thể gây ảnh hưởng đến quá trình chuyển dạ sinh con.

  • Đồ ăn vặt: Các món ăn vặt như gà rán, sandwich hoặc hamburger cần phải tránh trong thai kỳ. Các loại thực phẩm này không có giá trị dinh dưỡng, nhiều calo, dẫn đến no và khiến thai phụ không thể hấp thụ các chất dinh dưỡng cần thiết.

Mẹo ăn uống cho phụ nữ mang thai tháng thứ 7

Dưới đây là một số lời khuyên về chế độ ăn uống của phụ nữ mang thai tháng thứ 7:

  • Bữa sáng nên bắt đầu bằng trái cây tươi, ngũ cốc tăng cường để cung cấp chất sắt cơ bản và một ly sữa tiệt trùng. Thai phụ có thể ăn một số loại đậu để đáp ứng nhu cầu protein hàng ngày. Trứng, trái cây khô và sữa cũng phù hợp trong chế độ ăn uống của phụ nữ mang thai. Ăn sáng đầy đủ sẽ giúp tăng cường năng lượng cần thiết và đảm bảo sức khỏe trong cả ngày.

  • Bữa trưa thai phụ có thể ăn nhiều rau nấu chín, bánh mì nguyên hạt, cơm, các loại thịt, cá để đảm bảo protein. Với bữa trưa, thai phụ được khuyến cáo ăn nhiều tinh bột hơn là thức ăn chứa đường để ngăn ngừa nguy cơ ợ nóng.

  • Vào khoảng 4 giờ chiều, nếu cảm thấy đói, thai phụ có thể ăn nhẹ như trái cây khô, salad hoặc các loại hạt.

  • Bữa tối nên nhẹ nhàng, với các loại thực phẩm dễ tiêu hóa như trái cây, rau nấu chín, cơm và thịt cá nấu chín. Ngoài ra, thai phụ có thể ăn salad và trái cây tươi để đảm bảo giấc ngủ chất lượng.

Tìm hiểu mang thai tháng thứ 7 nên ăn gì và có chế độ ăn uống lành mạnh là điều cần thiết cho cả mẹ và bé. Trong thời gian này, bé đang lớn hơn và cần một lượng chất dinh dưỡng lớn để phát triển. Tuy nhiên tăng cường dinh dưỡng có thể dẫn đến tăng cân, vì vậy thai phụ nên có kế hoạch tập thể dục cũng như hoạt động thể chất để kiểm soát cân nặng. Tập yoga, bơi lội và đi bộ là các môn thể thao phù hợp trong thai kỳ, giúp kiểm soát cân nặng, cải thiện sức khỏe tinh thần và tăng cơ hội sinh thường khỏe mạnh.

Gợi ý một số món ăn cho thai phụ 7 tháng

Dưới đây là một số gợi ý về các món ăn bổ dưỡng, phù hợp cho phụ nữ mang thai tháng thứ 7, thai phụ có thể lưu lại và bổ sung vào chế độ ăn uống hàng ngày.

1. Cháo cá chép đậu xanh

Cá chép là một trong những loại thực phẩm bổ dưỡng cho phụ nữ mang thai. Ngoài ra, cháo cá chép đậu xanh được cho là có thể giúp em bé phát triển khỏe mạnh, thông minh và lanh lợi hơn.

Cần chuẩn bị:

  • Cá chép: 500 g

  • Đậu xanh: 50 g

  • Gạo tẻ: ½ bát

  • Gạo nếp: 1 nắm tay

  • Gia vị cần thiết

Cháo cá chép đậu xanh có thể tăng cường dinh dưỡng và giúp trẻ sinh ra khỏe mạnh, thông minh

Cách thực hiện món ăn:

  • Đun một nồi nước với một ít lát gừng. Khi nước sôi thì cho cá chép đã làm sạch vào nấu chín. Sau đó lọc phần thịt cá.

  • Ướp phần thịt cá với gia vị phù hợp, cùng một ít hành khô băm nhỏ và một ít thìa là để tăng cường hương vị.

  • Phần xương cá mang đi giã nhuyễn, lọc qua ray để lấy phần nước xương.

  • Đậu xanh rang vàng. Gạo tẻ, gạo nếp vo sạch, sau đó cho vào nồi cùng đậu xanh, thêm một lượng nước vừa đủ để nấu thành cháo.

  • Sau khi nấu khoảng 30 phút thì cho nước luộc cá và nước cốt xương vào cùng, nấu đến khi cháo nhừ.

  • Mang phần thịt cá xào xơ với dầu ô liu hoặc dầu dừa để thịt cá săn lại và ngấm gia vị. Khi ăn thịt múc cháo ra bát, cho thêm phần thịt cá lên trên, thêm một ít tiêu và thìa (nếu cần), sau đó thường thức.

2. Cá hồi áp chảo

Cá hồi là một loại cá nước lạnh, chứa nhiều omega 3 và các chất dinh dưỡng phù hợp khác trong thai kỳ. Theo khuyến cáo, omega 3 cần thiết để giúp trẻ phát triển hệ thống thần kinh và não bộ. Do đó, chế độ ăn uống nhiều omega 3 có thể giúp trẻ sinh ra thông minh và lanh lợi hơn.

Nguyên liệu cần chuẩn bị:

  • Cá hồi: 200 g

  • Bơ: 1 miếng nhỏ

  • Tỏi: 1 củ

  • Gia vị cần thiết

Cách thực hiện món ăn:

  • Cá hồi rửa sạch để ráo nước

  • Tỏi bóc sạch vỏ, băm nhuyễn

  • Làm nóng chảo, sau đó áp chảo cá hồi cho chín đều 2 mặt

  • Phi thơm tỏi băm nhuyễn cùng bơ sau đó cho lên trên mặt miếng cá hồi

  • Thêm một ít tiêu xay nhuyễn và thưởng thức

3. Vịt hầm hạt sen

Vịt hầm hạt sen có thể giúp cải thiện hương vị, làm phong phú thực đơn, tăng cường sức khỏe cũng như giúp thai phụ có giấc ngủ chất lượng hơn.

Nguyên liệu cần chuẩn bị:

  • 1 con vịt nặng khoảng 1 – 1.5 kg

  • 200 gram thịt nạc xay nhỏ

  • 200 gram hạt sen tươi

  • 50 gram nấm hương

  • Gia vị vừa đủ

Vịt hầm hạt sen có thể giúp cải thiện hương vị và làm phong phú thực đơn của thai phụ 7 tháng

Cách thực hiện món ăn:

  • Hạt sen mang đi xay ra. Nấm hương ngâm với nước ấm sau đó rửa sạch, băm nhuyễn. Hành khô bóc sạch vỏ và băm nhuyễn.

  • Rạch một đường nhỏ ngắn ở bụng vịt, sau đó lấy hết nội tạng ra, rửa sạch, để ráo nước, ướp gia vị phù hợp, để yên trong 30 phút.

  • Cho nấm hương, hành khô, hạt sen băm nhuyễn vào bên trong bụng vịt. Cho vịt vào nồi, thêm nước vừa ngập thịt, cho thêm muỗng nhỏ hạt nêm, đun sôi nhỏ lửa đến khi thịt mềm hẳn.

  • Sau khi thịt vịt chín mềm thì cho thêm 100 gram hạt sen nguyên hạt vào nồi, đun thêm 15 phút thì tắt bếp.

  • Ăn khi còn ấm.

Trong ba tháng cuối, thai phụ cần có chế độ dinh dưỡng đặc biệt để tăng cường sức khỏe và giúp việc sinh con thuận lợi hơn. Tìm hiểu thông tin mang thai tháng thứ 7 nên ăn gì cũng như tránh ăn gì để có chế độ ăn uống phù hợp. Nếu có bất cứ thắc mắc hoặc câu hỏi nào liên quan, vui lòng trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể.

4 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page